Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2009

Ông chủ - Tố chất hay kỹ năng

Ông chủ - Tố chất hay kỹ năng

Đinh Hồng Kỳ
TGĐ Secoin
Nhiều lúc trong đầu tôi vẫn tự hỏi: đối với một nhà lãnh đạo thành công, bao nhiêu phần trăm là do tố chất và bao nhiêu phần trăm là do kỹ năng và kinh nghiệm thực tế tạo ra ? và Yếu tố nào là quyết định sự thành công của một nhà lãnh đạo: tố chất hay kỹ năng ? Cùng với kinh nghiệm hơn 15 năm dưới cương vị lãnh đạo một Doanh nghiệp tư nhân, tôi cảm nhận hai yếu tố này như một mệnh đề trong toán học: “điều kiện cần và đủ”. Tố chất của nhà lãnh đạo là điều kiện cần và kỹ năng là điều kiện đủ. Anh có tố chất mà không có kỹ năng thì cũng không thể trở thành một nhà lãnh đạo thành công và ngược lại. Ta có thể hình dung một nhà lãnh đạo tài năng như một viên kim cương và để có một viên kim cương đẹp thì người ta phải làm từ một viên kim cương thô (tố chất), chứ không thể từ một viên đá bình thường và để nó trở thành một viên kim cương có giá trị thì cần phải có sự gọt giũa dưới bàn tay của người thợ (kỹ năng).

Trước hết, tôi sẽ dành vài dòng cho nhưng lý thuyết về tố chất và kỹ năng lãnh đạo mà đã được đúc rút trong các tài liệu. Theo các nghiên cứu về tố chất và kỹ năng lãnh đạo của Stogdill (1948 & 1974) thì tố chất đượt liệt kê ra là: Khả năng thích ứng tốt với tình hình; Tỉnh táo trong môi trường xã hội; Tham vọng, luôn định hướng thưc hiện mục tiêu; Quyết đoán; Hợp tác; Có thể tin cậy; Thể hiện quyền lực; Năng động; Kiên trì; Tự tin; Chịu được áp lực căng thẳng; Sẵn sàng chịu trách nhiệm. Các kỹ năng của một nhà lãnh đạo gồm: Thông minh; Có kỹ năng dựa trên khái niệm; Sáng tạo; Giỏi ngoại giao và tế nhị; Nói năng lưu loát; Hiểu biết về công việc; Có đầu óc tổ chức (có khả năng quản lý); Có sức thuyết phục; Có kỹ năng giao tiếp. Có 3 nhóm kỹ năng lãnh đạo đã được phân loại: Kỹ năng nghiệp vụ - Kỹ năng giao tiếp – Kỹ năng nhận thức. Tùy thuộc vào từng vị trí (cấp bậc) của quản lý mà tầm quan trọng các các kỹ năng này được xếp ở mức cao, thấp hay trung. Nhận định về tố chất của nhà quản lý hiệu quả người ta cho rằng đó là: Định hướng hiệu quả rõ ràng; Định hướng quyền lực hòa nhập xã hội mạnh mẽ; Tự tin cao; Niềm tin mãnh liệt vào giá trị bản thân; Trung tâm điều khiển nội. Một số các tố chất khác cũng được nêu đến gồm: Trí thông minh cảm xúc; Hiểu biết xã hội; Tư duy hệ thống; Khả năng học hỏi.

Dưới đây ta sẽ cùng đi sâu vào những yếu tố thuộc về tố chất và kỹ năng của một lãnh đạo mà nằm ngoài những quan điểm lý thuyết mà ta đã từng biết.

LÒNG ĐAM MÊ VÀ KHẢ NĂNG TRUYỀN NHIỆT HUYẾT

Đam mê là một nhân tố rất quan trọng đối với một người lãnh đạo. Nếu thiếu đam mê thì anh sẽ biến thành nhà lãnh đạo “robot”, thiếu cá tính, thiếu bản sắc. Ngoài ra, tất cả các những nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn đều thể hiện sự nhiệt tình vì công việc, vì công ty và sự nghiệp bản thân. Họ có niềm tin và cảm nhận mạnh mẽ về một ý tưởng, một sản phẩm hay một quy trình mới và có khả năng sử dụng hiệu quả cương vị của mình để truyền bá niềm tin này với nhân viên họ một cách hiệu quả nhất.

Công ty Secoin của chúng tôi là một nhà sản xuất gạch ngói không nung. Sự đam mê sáng tạo ra những mẫu mã gạch mang thương hiệu Secoin như đã ăn sâu vào máu thịt tôi. Thật sự nhiều lúc tôi cảm thấy “ăn, ngủ” với những viên gạch, ngói này. Nhưng những đam mê này của tôi không thể biến trở thành những sản phẩm thật sự có hiệu quả nếu như mình không thể truyền những đam mê đó tới những đồng sự của mình. Tôi có thể bỏ ra hàng giờ để nói chuyện, tâm sự với những đồng sự, công nhân trực tiếp sản xuất từ ngày này sang ngày khác về những ý tưởng, ấp ủ của mình. Chúng tôi cùng tranh luận, cùng suy ngẫm,… Và thật nhạc nhiên là sau mội thời gian tôi nhận thấy những “lửa” đam mê đó, những ý tưởng đó đã như được “đốt” lên ở những đồng sự của tôi. Và kết quả là họ đã làm ra những mẫu sản phẩm còn độc đáo hơn cả những mường tượng ban đầu của mình. Từ “ngọn lửa” trong mình khi tôi truyền để có thể “đốt” lên thêm càng nhiều “ngọn lửa” khác thì khả năng thành công của mình càng hiện thực.

Theo quan điểm cá nhân, một nhà lãnh đạo tài giỏi là người có trong tim “ngọn lửa” nhiệt huyết có khả năng lan tỏa và “sưởi ấm” những người xung quanh. Họ đều có thể đưa ra định hướng chiến lược, nhưng quan trọng hơn, họ có tài thuyết phục khiến mọi người làm việc hết mình vì mục tiêu chung của toàn công ty.

Theo David Glass – nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc của Tập đoàn bán lẻ Wal-Mart , xét trên khía cạnh chiến lược, các nhà lãnh đạo có thể đưa ra những quyết định lớn lao nhưng điều đó chưa hẳn giúp được nhiều cho họ trừ khi họ là người lãnh đạo có khả năng truyền cảm. Khi công ty gặp biến cố, mà sớm hay muộn thì điều này cũng sẽ xảy ra với hầu hết các công ty, khả năng lãnh đạo đầy nhiệt huyết và có sức lan tỏa sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành bại của tổ chức.

Để minh chứng những luận điểm trên tôi xin kể một câu chuyện: Vào những ngày cuối tháng 1/2009 vừa qua, một cuộc bầu chọn đặc biệt của tờ Inside United đã vinh danh Huấn luyện viên Alex Ferguson là biểu tượng vĩ đại nhất Câu lạc bộ bóng đá Manchester United (Anh). HLV Ferguson hiện đang nắm giữ những thành tích kỷ lục mà rất khó một HLV nào ở Vương quốc Anh có thể vượt qua. Sau 22 năm dẫn dắt đội chủ sân Old Trafford, người đàn ông Scotland này đã gặt hái được 10 chức vô địch Premier League, 2 ngôi vị số 1 Champions League và hàng chục chiếc cúp lớn nhỏ khác. “Sir Alex là một người hùng sẵn sàng gánh vác mọi khó khăn. Ông ấy luôn thổi vào mọi người niềm tin và tinh thần khắc phục thách thức. Ông không chỉ là một chiến lược gia vĩ đại, một nhà tâm lý bậc thầy, mà còn là người đàn ông đầy cá tính.” - Holmes, một cổ động viên của Manchester United đồng thời là người dẫn chương trình trên Manchester Evening News đã nói về Sir Alex như vậy.

TĂNG CƯỜNG GIAO TIẾP NỘI BỘ VÀ KHÁCH HÀNG

Thường xuyên ra khỏi văn phòng để đi tới các phòng ban, xưởng, cửa hàng, đại lý để có thể tiếp xúc nhiều hơn với những cấp dưới là cách để bạn nhìn thấy và hiểu được mọi người thực hiện nhiệm vụ thường ngày ra sao. Tranh thủ trò chuyện và thu lượm các thông tin thực tế từ các nhân viên về các thách thức trong công việc và đời sống của họ.

Tạo nên bầu không khí làm việc khuyến khích mọi người năng động, sáng tạo. Hãy đánh giá đầy đủ vai trò của những kỹ thuật để cải tiến quy trình làm việc của doanh nghiệp, tạo ra bầu không khí hợp tác, đảm bảo sự thỏa mãn của từng cá nhân đối với công việc. Sau đây là một số cách tạo ra bầu không khí làm việc năng động:
• Tham khảo ý kiến của nhiều người.
• Đưa cho nhân viên dưới quyền nhiều lựa chọn khác nhau hơn là chỉ đưa ra một cách tốt nhất để họ giải quyết công việc. Làm như thế, họ sẽ biết cách tự nhìn nhận bản thân theo một hướng đi phù hợp nhất với công việc.
• Đưa ra những phản hồi tích cực khi nhân viên thổ lộ ý kiến của họ.
• Hãy thách thức các nhân viên động não, lên kế hoạch và hành động.
• Hướng dẫn mọi người biết chấp nhận và học cách vượt qua các rủi ro trong công việc.

Đối với khách hàng, phần lớn những nhà lãnh đạo đều nhận thức rất rõ chính khách hàng sẽ là người quyết định số phận của một công ty. Vì vậy, họ đã dành một phần đáng kể trong quỹ thời gian của mình để tiếp xúc và nói chuyện với khách hàng (có người đã dành đến 50% quỹ thời gian). Sam Walton - người sáng lập kiêm cựu Tổng giám đốc của Tập đoàn bán lẻ Wal-Mart có một nhận xét rất hay rằng: "Chúng ta chỉ có một ông chủ duy nhất, đó chính là khách hàng. Ông chủ đó có thể sa thải tất cả mọi người từ Chủ tịch công ty trở xuống chỉ bằng một hành động đơn giản là đem tiền đi tiêu ở nơi khác".

Herb Kelleher, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Southwest Airlines (SA), đã dồn hết tâm huyết để xây dựng một văn hóa kiểu cộng đồng giữa khách hàng và nhân viên. Ông đã từng đưa ra lời khuyên: “Không nên lấy lợi nhuận làm mục đích trong mối quan hệ của anh với khách hàng. Thay vào đó, anh cần tập trung hơn nữa vào việc phục vụ khách hàng, sao cho khách hàng hài lòng và tiếp tục quay lại với công ty. Đó chính là chìa khóa tạo ra khả năng sinh lợi, nhất là vào thời kỳ kinh tế khó khăn...”

KỸ NĂNG GIAO QUYỀN HIỆU QUẢ:

Trong lý thuyết về lãnh đạo có nêu đến vấn đề này nhưng ở mức độ rộng hơn. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh sâu về kỹ năng này bởi tính chất quan trọng của nó trong doanh nghiệp. Nhà lãnh đạo phải biết phát hiện nhân tài – người có khả năng bổ sung những khiếm khuyết của bạn thay vì biết cách khen ngợi mà hãy phân quyền và phân bổ công việc một cách hợp lý. Bên cạnh đó, người lãnh đạo cần phải có chính sách đãi ngộ đặc biệt cho những con người giỏi, những người dám đặt những mục tiêu vô cùng thách thức và tìm cách để thực hiện nó.

Để kết thúc, tôi cho rằng, một người lãnh đạo thực sự không chỉ hội tụ những tố chất lãnh đạo vốn có mà còn phải trau dồi những kỹ năng cần thiết để lãnh đạo hiệu quả. Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta xem nhẹ điều đó và cứ giữ mãi quan niệm chủ quan khi cho rằng họ sinh ra là để làm người đứng đầu. Hãy tự hỏi mình vì sao những người khác cần phải lắng nghe, tôn trọng và thực hiện theo sự điều động, hướng dẫn của bạn. Vì vậy nhà lãnh đạo phải biết được đâu là tố chất và kỹ năng cần có cho mình để xây dựng và phát huy chúng một cách hiệu quả. Những phẩm chất và kỹ năng này ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh người lãnh đạo và nền tảng thành công của doanh nghiệp.

Ngày 31.01.2009


* * * * *
Bài luận này được viết trên cơ sở tham khảo:
- Tài liệu Lãnh đạo trong tổ chức của trường GRIGGS
- Tài liệu tham khảo tren internet: saga.vn, en.wikipedia.org, lanhdao.net, ketnoisunghiep.vn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét