Thứ Năm, 12 tháng 3, 2009




Ai sẽ quyết định sự phục hồi kinh tế toàn cầu?
(TuanVietNam) - Nhu cầu tiêu dùng quá mức ở Mỹ cũng như sự tích lũy quá mức ở Trung Quốc được xem là những nguyên nhân cơ bản gây mất cân đối thu - chi trên phạm vi toàn cầu. Và đó cũng chính là lý do vì sao hai quốc gia này phải có những nỗ lực không ngừng nhằm khôi phục nền kinh tế toàn cầu.


Trên tờ Bưu điện Washington số ra ngày 6-3-2009 có đăng bài “G-2 quyết định sự phục hồi kinh tế”, tác giả là Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick và Trưởng kinh tế gia của WB Justin Yifi Lin. Tuần Việt Nam xin đăng tải lại như một tư liệu để bạn đọc tham khảo.

Trung Quốc là một trong hai quốc gia có trách nhiệm trong việc phục hồi khủng hoảng kinh tế thế giới (Ảnh: /bradley.chattablogs.com)


Năm 2009, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm. Mỹ hiện đang ở trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Nếu muốn phục hồi nền kinh tế thế giới thì hai cỗ máy (powerhouse) kinh tế này phải hợp tác với nhau và trở thành đầu tàu của Tập đoàn 20 quốc gia (G-20). Một không có một Tập đoàn hai quốc gia (G-2) mạnh mẽ thì G-20 sẽ khiến người ta thất vọng. Và chúng ta cần đối mặt với thực tế.

Nguyên nhân cơ bản gây ra sự mất cân đối thu chi trên phạm vi toàn cầu thì có tính cơ cấu: sự tiêu dùng quá mức ở Mỹ và sự tích lũy quá mức ở Trung Quốc. Với Mỹ, sự bùng nổ tiêu dùng gây ra bởi các bong bóng chứng khoán và bong bóng nhà đất. Nó còn kèm theo sự giảm sút mạnh của tỷ suất tiết kiệm. Với Trung Quốc, tích lũy dư thừa là kết quả của sự méo mó cơ cấu trong các lĩnh vực tài chính, công ty và tài nguyên.

Tỷ lệ tích lũy ở Trung Quốc cao rất nhiều so với các nước khác, lên tới một nửa GDP. Nhưng tiết kiệm gia đình ở Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 20% GDP, tương đương mức ở Ấn Độ. Tích lũy của các đại công ty cao tới mức không bình thường. Các công ty nhỏ và vừa sử dụng 80% lực lượng lao động lại có rất ít cơ hội hưởng các dịch vụ tài chính, bởi lẽ ngành tài chính Trung Quốc do 4 ngân hàng lớn nắm giữ, các ngân hàng này chủ yếu phục vụ các đại công ty.

Các doanh nghiệp nhỏ thiếu kênh tiếp cận dịch vụ tài chính, điều đó đã cản trở sự phát triển của họ, hạn chế tuyển nhân công và tăng sức ép giảm lương. Trên thực tế, sự méo mó của cơ cấu tài chính Trung Quốc có nghĩa là qua thu nhập thấp và lãi suất thấp, thường dân và các công ty nhỏ và vừa ở Trung Quốc luôn luôn phải trợ cấp cho các đại công ty và những người mới giàu (have been subsidizing big corporations and the new rich).

Hai vấn đề Trung Quốc và Mỹ cần lưu tâm
Nước Mỹ rất cần những nỗ lực đưa quốc gia này nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khủng hoảng (Ảnh: vangvn.com)

Việc điều chỉnh hối suất đồng Nhân Dân Tệ (CNY) không phải là công cụ chủ yếu để giải quyết các vấn đề cơ cấu nói trên và sự mất cân đối do nó gây ra. Trên thực tế ngoại giao kinh tế Trung Quốc - Mỹ nên nhằm vào hai lĩnh vực khác.

Trước hết, hai nước nên chung sức ngăn chặn một cuộc suy thoái kéo dài trên toàn cầu. Cả hai nước đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế. Mỹ một lần nữa dựa vào xúc tiến tiêu dùng còn Trung Quốc thì lại bỏ vốn vào đầu tư. Tuy rằng đây là phản ứng tự nhiên đối với các vấn đề trước mắt, nhưng cùng với thời gian, Mỹ tất phải tăng tích lũy và đầu tư, còn Trung Quốc thì phải tăng tiêu dùng.

Trung Quốc đang chuẩn bị phương án kích thích kinh tế thứ hai, phương án này nên nhằm vào việc tìm cách để những người tiêu dùng tương đối nghèo có được khả năng mua hàng, xây dựng “hạ tầng cơ sở mềm (soft infrastructure)” trong ngành dịch vụ và phát triển “cơ sở hạ tầng cứng (hard infrastructure)” nhằm giảm tình trạng thắt cổ chai trong tăng trưởng (điều đó ngược lại sẽ xúc tiến nâng cao năng suất lao động).

Trung Quốc cũng nên thanh toán tình trạng phá hoại môi trường gây ra bởi sự định giá quá thấp tài nguyên thiên nhiên. Về phần mình, Mỹ nên kiên trì chính sách chỉnh đốn tiền tệ, tín dụng và tài sản. Cả hai nước nên chống chủ nghĩa bảo hộ buôn bán và giúp đỡ các nước nghèo dễ bị tổn thương trong cuộc khủng hoảng.

Thứ hai, cuộc đối thoại kinh tế Trung Quốc-Mỹ nên chú trọng vào biện pháp giảm sự mất cân đối tiêu dùng - tích lũy có tính cơ cấu của hai nước.

Để đạt được mục tiêu xây dựng “xã hội hài hòa” mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề ra, Trung Quốc cần cải tiến việc phân phối thu nhập. Giai đoạn tiếp sau của cuộc cải cách ở Trung Quốc nên tăng cường an sinh xã hội, nâng tiền lương, tăng hiệu quả của lĩnh vực dịch vụ và thực hiện “xanh hóa (green)” trong định giá tài nguyên và doanh nghiệp – tất cả những cái đó sẽ có thể tăng được tiêu dùng và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cần thúc giục ngành ngân hàng địa phương cải tiến việc phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả việc cho vay các khoản tiền nhỏ. Đã đến lúc Trung Quốc mở rộng cửa cho cạnh tranh bán hàng, đả phá độc quyền như trong ngành viễn thông.

Việc nới lỏng hoạt động thương mại và thực hiện đầu tư vào ngành dịch vụ sẽ làm cho thị trường Trung Quốc tăng sức cạnh tranh và sinh lợi hơn, và giảm được cọ sát thương mại. Nếu không tăng nhập khẩu thì Trung Quốc sẽ đứng trước nguy cơ chỉ có thể nhịn nỗi đau giảm đáng kể xuất khẩu để thực hiện việc điều chỉnh nền kinh tế.

Còn với Mỹ, đang cần phục hồi sự cân đối giữa tiêu dùng với tích lũy, không nên quay về thời đại sử dụng thẻ tín dụng ở giới hạn lớn nhất, tiêu dùng không kiêng dè.

Các điều chỉnh nói trên sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giảm bớt rủi ro của cuộc chao đảo tài chính toàn cầu. Cả hai bên đều có động cơ mạnh trong việc điều chỉnh: Mỹ là điểm đến lớn nhất của hàng xuất khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất đã tung tiền mua công trái Mỹ. Sự phụ thuộc kinh tế giữa hai nước này rất rõ ràng.

Vấn đề mất cân đối trong nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể giải quyết từng bước, song nó phải được giải quyết. Trong khi dẫn đầu tìm kiếm các biện pháp giải quyết cho hôm nay, Mỹ và Trung Quốc cũng cần tạo dựng nền kinh tế toàn cầu của ngày mai.

  • Theo vietnamweek.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét